Tôi bị bị suy thận giai đoạn 3 uống cà phê đen không đường sau ăn sáng có tốt không? Tôi nghe nhiều ý kiến trái chiều, xin bác sĩ giải đáp giúp. (Minh Hiến, Đồng Nai)
Trả lời:
Uống cà phê sáng là thói quen của nhiều người giúp cơ thể tăng cường năng lượng để bắt đầu ngày mới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cà phê rất tốt cho sức khỏe kể cả với người đang điều trị bệnh lý suy thận. Việc bạn chọn cà phê đen không đường, uống sau bữa ăn là rất tốt, nên duy trì.
Sở dĩ cà phê tốt cho sức khỏe và ngay cả những người bệnh thận cũng có thể sử dụng bình thường là vì thành phần caffeine có trong cà phê không có hại cho sức khỏe, nếu tiêu thụ một mức hợp lý còn giúp cải thiện năng lượng, tăng cường sự trao đổi chất cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ đốt cháy chất béo. Chất oxy hóa có trong cà phê tác động tích cực đến chức năng của thận, giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.
Ngoài caffeine, cà phê còn chứa nhiều hợp chất khác như diterpenes và axit chlorogenic cũng tốt cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính và thoái hóa như ung thư, rối loạn tim mạch, tiểu đường, parkinson.
Tuy nhiên, lưu ý rằng caffeine là một chất kích thích có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Người bị bệnh thận có nguy cơ cao bị tăng huyết áp nên cần chú ý liều lượng, không nên uống quá 2 ly mỗi ngày.
Điều quan trọng cần chú ý nữa là người bị bệnh thận không thể cân bằng được nồng độ kali trong máu. Kali là một chất điện giải có vai trò với hoạt động cơ, tim, giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Nó có mặt trong nhiều thực phẩm, trong đó có cà phê. Do đó, cân nhắc lượng cà phê nạp vào cơ thể để đảm bảo lượng khoáng chất này không quá cao hoặc quá thấp. Uống 3 tách cà phê mỗi ngày sẽ đẩy mức kali vượt ngưỡng cho phép.
Bên cạnh yếu tố về hàm lượng dưỡng chất, việc lạm dụng hoặc uống không đúng thời điểm cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Uống cà phê vào buổi tối, gần giờ ngủ (sau 19h) có thể gây căng thẳng thần kinh, gây mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
Có thể thấy cà phê an toàn với người bị suy thận nếu uống điều độ với 1-2 ly mỗi ngày, hạn chế đường sữa, nên uống cà phê đen là tốt nhất. Trong trường hợp mắc các bệnh lý khác đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có tư vấn phù hợp nhất cho bạn.
Bên cạnh uống cà phê với định lượng vừa phải, bạn nên thực hiện lối sống khoa học, cũng như chế độ dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát bệnh suy thận. Cụ thể, bạn cần theo dõi và đảm bảo các chỉ số huyết áp, đường huyết, cholesterol trong máu trong phạm vi bác sĩ khuyến cáo. Để làm được điều này, bạn cần xây dựng lối sống khoa học, tập thể dục phù hợp với thể trạng, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức hợp lý; bỏ thuốc lá; ăn nhạt (không nạp quá 2-3g muối ngày); hạn chế đạm, ưu tiên đạm thực vật (nấm, đậu…); kiểm soát lượng kali và photpho nạp vào mỗi ngày.
Ngoài ra, người suy thận cần có chế độ giàu năng lượng, tăng khoảng 30% so với tiêu chuẩn bình thường và đồng thời chia nhỏ bữa ăn thành 4-6 bữa mỗi ngày. Vì việc không ăn đủ năng lượng sẽ làm thay đổi sự trao đổi chất của cơ thể, cơ thể sẽ đốt cháy mỡ, đạm của các tổ chức mô, khiến cho cơ thể gầy yếu. Người suy thận cần ăn uống đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết như người bình thường: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, uống lượng nước vừa đủ.